Quảng Ngãi sau 38 năm giải phóng

RSS In Gởi cho bạn bè
27/03/2013 03:33:35 PM         
Ngày 24/3/1975 đã đi vào lịch sử vẻ vang và oanh liệt của Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi. Quân và dân tỉnh nhà đã liên tục tiến công và nổi dậy tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ nguỵ quân, nguỵ quyền, giành chính quyền về tay nhân dân, tỉnh Quảng Ngãi được hoàn toàn giải phóng... Từ một tỉnh nghèo với nhiều vết thương chiến tranh, 38 năm sau giải phóng Quảng Ngãi đang thay da đổi thịt từng ngày.
Chiến thắng của sức mạnh tổng hợp
Chúng tôi tìm đến nhà của ông Cao Văn Luật-Nguyên Tỉnh đội trưởng Quảng Ngãi, và cũng là người trực tiếp tham gia chỉ đạo các trận đánh, góp phần giải phóng hoàn toàn Quảng Ngãi. Mặc dù năm nay đã ở  tuổi 87, nhưng ông vẫn còn minh mẫn và khi kể về những trận đánh của quân và dân ta góp phần giải phóng tỉnh Quảng Ngãi, dường như bao ký ức một thời oai hùng hiện về như mới vừa xảy ra.
Ông nói, chiến thắng của quân và dân ta góp phần giải phóng hoàn toàn Quảng Ngãi là một cuộc chiến được đúc kết qua 20 năm kháng chiến chống Mỹ, trong đó có chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích. Đặc biệt là ta nắm được những thời điểm chín muồi.
Ông kể lại: Sau thất bại ở Tây Nguyên (ngày 10/3/1975), khiến Mỹ - Nguỵ hỗn loạn, co cụm lại phòng thủ. Thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ Quảng Ngãi, lực lượng vũ trang của các huyện Mộ Đức, Đức Phổ đã tiến công cắt đứt các trục đường giao thông, làm cản trở việc chuyển quân, tiếp tế của địch từ trong ra, tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Quân ta ở các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh cũng đã vây chặt, chặn đứng quân địch từ hướng Quảng Nam vào, từng bước cô lập kẻ thù.
Để sẵn sàng cho trận tổng tiến công vào thị xã Quảng Ngãi, đêm 15 rạng 16/3/1975 ta chính thức nổ súng, đồng loạt tiến công vào các vị trí trọng điểm của địch. Tại huyện Đông Sơn (vùng đông Bình Sơn - Sơn Tịnh), ngay trong đêm, lực lượng vũ trang của huyện và du kích tiến công, tiêu diệt địch ở ấp Phú Nhuận (Tịnh Phong), phát động quần chúng nổi dậy, giành quyền làm chủ tại chỗ. Đồng thời các đội công tác và du kích áp sát, tạo ra thế trận uy hiếp, bao vây phía đông bắc thị xã Quảng Ngãi và phía đông chi khu quận lỵ Sơn Tịnh.
Ở phía tây Sơn Tịnh, trong đêm 15/3/1975, các lực lượng vũ trang tấn công, tiêu diệt chốt Đông Dương, Núi Đất, quần chúng nổi dậy phá sạch khu dồn Kim Sa. Thừa thắng, ta tiến công áp sát xuống ven Quốc lộ 1 làm chủ một số nơi. Địch ở Hòn Dầu, núi Tròn rút chạy. Vùng tây Sơn Tịnh được giải phóng hoàn toàn, phía tây bắc thị xã Quảng Ngãi và phía tây quận lỵ Sơn Tịnh bị ta uy hiếp.
Trước sự bao vây, tiến công mạnh mẽ từ nhiều hướng của quân giải phóng, đêm 16/3 rạng ngày 17/3/1975, địch ở Sơn Hà hốt hoảng tháo chạy. Ngay sau đó, ngày 18/3/1975, địch ở Trà Bồng cũng vội vàng tháo chạy.
Như vậy, sau ba ngày đêm, ở khu vực trọng điểm phía bắc Quảng Ngãi, ta đã tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch và giải phóng một mảng phía tây và đông huyện Bình Sơn, chia cắt đoạn quốc lộ 1 từ Châu Ổ đi Dốc Sỏi, tạo ra thế bao vây, uy hiếp chi khu quận lị Bình Sơn.
Khi thời cơ đã chín muồi, ngày 23/3/1975, Tỉnh uỷ ra Chỉ thị : “Đẩy mạnh công kích và khởi nghĩa toàn tỉnh, đánh đổ toàn bộ địch, giải phóng toàn bộ nông thôn, giải phóng thị trấn, thị xã, giành chính quyền về tay nhân dân, hoàn thành nhiệm vụ lịch sử giải phóng toàn tỉnh”.
Trước những đòn tấn công mạnh mẽ của quân và dân ta, ngay trong đêm 23/3/1975, địch ở thị xã bắt đầu tháo chạy. Đúng 7 giờ 40 phút ngày 24/3/1975, ta bắt đầu tấn công và áp sát thị xã Quảng Ngãi. Nhiều địa điểm đã bị các lực lượng vũ trang của ta chiếm lĩnh, tạo thế gọng kìm. Trưa ngày 24/3/1975, chuẩn tướng ngụy Trần Văn Nhật chạy trốn khỏi thị xã Quảng Ngãi bằng máy bay trực thăng. Như rắn mất đầu, đến chiều, bọn nguỵ quân, nguỵ quyền ở các huyện Đức Phổ, Mộ Đức, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa đều kéo nhau chạy về thị xã.
Tối ngày 24/3/1975 địch bắt đầu rút chạy khỏi thị xã, tuy nhiên khi địch tháo chạy đến đâu bị ta chận đánh đến đó. Ngay trong đêm 24/3/1975, các lực lượng của ta bên ngoài tiến vào thị xã, phối hợp hành động của quần chúng bên trong nổi dậy tiến hành giải phóng nhà lao, chiếm lĩnh các cơ quan nguỵ quyền, kho tàng, các công sở của địch, dẫn đường cho bộ đội, cán bộ ta truy lùng bọn tàn quân, bắt ác ôn, kêu gọi binh lính địch ra hàng, nộp vũ khí, giữ gìn an ninh trật tự trong thị xã. Tỉnh Quảng Ngãi đã được hoàn toàn giải phóng.
Như vậy, chỉ sau hơn 12 tiếng đồng hồ (từ 7 giờ 40 phút ngày 24/3/1975 đến 20 giờ ngày 24/3/1975) với những trận đánh thần tốc như vũ bão, quân và dân tỉnh Quảng Ngãi đã liên tục tiến công và nổi dậy tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ nguỵ quân, nguỵ quyền, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân.
Quảng Ngãi trên đà phát triển
Sau khi Quảng Ngãi và đất nước được hoàn toàn giải phóng, Bắc-Nam được sum họp một nhà, tỉnh đã huy động sức người, sức của tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển sản xuất, từng bước ổn định cuộc sống nhân dân. Từ một tỉnh có điểm xuất phát thấp, đến nay Quảng Ngãi đã vươn mình, thay da đổi thịt.
Từ một tỉnh thuần nông, chậm phát triển, trong những năm gần đây kinh tế Quảng Ngãi có bước chuyển dịch mạnh theo hướng công nghiệp, dịch vụ và đã đạt được những thành tựu to lớn. Giai đoạn 2006 - 2010, tốc độ tăng trưởng GDP của Quảng Ngãi đạt trên 18%/năm và năm 2012 đạt 7%; tỷ trọng trong GDP, ngành công nghiệp - xây dựng từ 30% năm 2005 tăng lên 60,9% năm 2012; tỷ trọng ngành nông - lâm - thuỷ sản từ 34,8% năm 2005 giảm xuống còn 17,4% năm 2012.
Quảng Ngãi đã thu hút nhiều dự án lớn vào đầu tư. (Trong ảnh: Cảng Dung Quất và Cảng xuất sản phẩm Nhà máy lọc dầu Dung Quất).
Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh năm 2005 đạt 529 tỷ đồng thì đến năm 2012 tăng lên trên 19.000 tỷ đồng và Quảng Ngãi được xếp trong nhóm mười tỉnh thành của Việt Nam có đóng góp ngân sách lớn cho Trung ương. Với hạt nhân tăng trưởng là Khu kinh tế Dung Quất, đặc biệt là Nhà máy Lọc dầu Dung Quất - Nhà máy Lọc dầu đầu tiên của Việt Nam đã đem lại cho kinh tế Quảng Ngãi bước tăng trưởng vượt bậc và là nhân tố mang tính động lực để Quảng Ngãi ngày càng phát triển năng động hơn, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện.
Hiện nay, Quảng Ngãi có một khu kinh tế, ba khu công nghiệp tập trung và 16 cụm công nghiệp làng nghề; trong đó, Khu kinh tế Dung Quất đã được Chính phủ cho phép mở rộng từ 10.300ha lên 45.332ha và được quy hoạch trở thành một khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực. Khu kinh tế Dung Quất đang được Quy hoạch xây dựng để trở thành một thành phố công nghiệp mở, trung tâm lọc hóa dầu quốc gia, trung tâm đô thị, công nghiệp và dịch vụ cảng biển của Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, là đầu mối về giao thông vận tải, trao đổi hàng hóa và giao lưu quốc tế quan trọng của khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Thành phố Quảng Ngãi đã thay da, đổi thịt.
Đến nay, khu kinh tế này đã thu hút được 111 dự án (có 98 dự án trong nước và 13 dự án nước ngoài) với tổng vốn đăng ký là 138.678 tỷ đồng và đang ngày càng thể hiện rõ vai trò động lực đối với sự phát triển của tỉnh Quảng Ngãi nói riêng và của Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung nói chung.
Cùng với phát triển công nghiệp, trong những năm qua, để phát huy lợi thế và tiềm năng của tỉnh, Quảng Ngãi đã tích cực huy động các nguồn vốn để đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng đô thị, các khu thương mại - dịch vụ; đặc biệt chú trọng phát triển hạ tầng dịch vụ du lịch nhằm đáp ứng yêu cầu của phát triển hiện nay của Quảng Ngãi. Với lợi thế Quảng Ngãi có hơn 130km chiều dài bờ biển và có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa... là những tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển và phát triển du lịch.
Cùng với các huyện đồng bằng, những năm qua, Quảng Ngãi cũng đã tập trung đầu tư nhân, vật lực cho các huyện miền núi, hải đảo nhờ vậy đến nay đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở các huyện miền núi, hải đảo trong tỉnh đã được nâng lên đáng kể.
 Nguồn: Báo Quảng Ngãi
Ngày 24/3/1975 đã đi vào lịch sử vẻ vang và oanh liệt của Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi. Quân và dân tỉnh nhà đã liên tục tiến công và nổi dậy tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ nguỵ quân, nguỵ quyền, giành chính quyền về tay nhân dân, tỉnh Quảng Ngãi được hoàn toàn giải phóng... Từ một tỉnh nghèo với nhiều vết thương chiến tranh, 38 năm sau giải phóng Quảng Ngãi đang thay da đổi thịt từng ngày.