Sơn Tịnh sau 38 năm giải phóng và gần 27 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, kinh tế xã hội của huyện Sơn Tịnh đã có bước đổi thay nhanh chóng. Nhiều công trình lớn đã và đang được mọc lên, đời sống của người dân từng bước được cải thiện và nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, số hộ có kinh tế khá ngày càng nhiều. Để có được những thành quả trên, đó là nhờ Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Sơn Tịnh đã đồng lòng vượt qua khó khăn thử thách, phát huy lòng tự hào, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, ra sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Cách đây 38 năm, vào những ngày cuối tháng 3 năm 1975, hòa trong khí thế tiến công, nổi dậy của toàn tỉnh, bằng sự phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang, bằng tinh thần dũng cảm, trí thông minh, lòng căm thù giặc sôi sục, quân và dân huyện Sơn Tịnh đồng loạt tiến công, nổi dậy, giải phóng hoàn toàn quê hương. Sau chiến tranh, quân và dân huyện Sơn Tịnh từng bước khắc phục khó khăn, nêu cao tinh thần tự lực tự cường, ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển sản xuất, ổn định đời sống. Đặc biệt, trong gần 27 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, kinh tế xã hội của huyện đạt được những thành tựu đáng kể. Đến nay, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện đạt hơn 4.600 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp – xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp, trong đó, nông – lâm – ngư nghiệp chiếm 30,4%, công nghiệp – xây dựng chiếm 39,7%, thương mại - dịch vụ chiếm 29,9%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm còn 10,73%. Toàn huyện có 32 trường đạt chuẩn quốc gia. Ông Nguyễn Thanh – Phó Bí thư Huyện ủy Sơn Tịnh cho biết: “Với phương châm phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành của hệ thống chính trị trên tất cả các lĩnh vực kinh tế xã hội, tập trung tháo gỡ những vướng mắc, kịp thời để tổ chức thực hiện có hiệu quả. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm cao hơn năm trước, bình quân 1 năm tăng 13% và tập trung chuyển đổi cơ cấu ngành nghề theo hướng tích cực và đúng định hướng”.
Xác định nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, huyện đã tập trung mọi nỗ lực để phát triển sản xuất, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Sự ra đời của công trình thủy nông Thạch Nhamđã góp phần làm cho sản xuất nông nghiệp huyện nhà phát triển một cách toàn diện và vững chắc. Bình quân lương thực đầu người từ 162 kg năm 1975 lên 412 kg năm 2012. Kinh tế thủy sản được chú trọng, năng lực tàu thuyền không ngừng phát triển, sản lượng khai thác hải sản hàng năm đạt từ 18.000 đến 20.000 tấn. Toàn huyện có hơn 6.000 ha rừng tập trung và hàng triệu cây trồng phân tán, nâng độ che phủ của rừng lên hơn 30%.Ông Hà Kim Sơn, thôn Bình Nam, xã Tịnh Bình cho biết: “Từ ngày quê hương hoàn toàn giải phóng đến nay đã khắc phục hậu quả chiến tranh, về sản xuất nông nghiệp bà con được áp dụng KHKT như giống, vật nuôi, cây trồng. Được khuyến nông tập huấn qua các mô hình để sản xuất, năng suất cây trồng, vật nuôi được tăng lên. Hiện tại nông dân ở đây năng suất bình quân 55 đến 56 tạ/ha. Đó là một việc nhờ Đảng và Nhà nước quan tâm hết sức để nông dân mỗi ngày có cuộc sống khấm khá”.
Đến nay, cùng với Khu công nghiệp Tịnh Phong, với trên 30 nhà máy, công ty, xí nghiệp đang hoạt động, mô hình cụm công nghiệp - làng nghề của huyện cũng đang từng bước khẳng định hướng phát triển khả quan. Chỉ tính riêng cụm công nghiệp - làng nghề Tịnh Ấn Tây đã thu hút được 19 doanh nghiệp đầu tư, với vốn đăng ký trên 312 tỷ đồng và giải quyết được hơn 550 lao động, chủ yếu là lao động trong huyện, mức lương bình quân 2.300.000 đồng/người/tháng. Ông Phạm Quang Xuân – Giám đốc Công ty TNHH Kim Sơn cho biết: “Hiện nay với sự đổi mới của Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện thúc đẩy nền kinh tế huyện Sơn Tịnh từng bước xây dựng vững chắc. Hàng năm thì doanh thu của công ty chúng tôi đạt hơn 100 tỷ đồng, giải quyết 100 công nhân lao động tại địa phương, về trách nhiệm đối với thuế hàng năm đóng hơn 10 tỷ đồng”.
Đến nay, trên địa bàn huyện nhiều công trình có giá trị và ý nghĩa to lớn về kinh tế và xã hội đã được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng. Riêng trong năm 2012, từ nguồn vốn của tỉnh, huyện đã đầu tư hơn 48 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng. Hiện nay, hệ thống giao thông liên xã, liên thôn được nhựa hoá, bê tông hoá ngày càng mở rộng, vươn dài đến các vùng nông thôn xa trung tâm huyện, xã, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao lưu và phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng. Mạng lưới điện ngày càng hoàn thiện, đến nay, điện lưới quốc gia đã về 100% thôn, xóm, khu dân cư trên địa bàn, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.Trong năm 2013, huyện Sơn Tịnh tiếp tục phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế 13%/năm. Chuyển dịch mạnh về kinh tế theo hướng công nghiệp, với tỷ trọng ngành công nghiệp xây dựng chiếm 42%, tỷ trọng ngành dịch vụ 30,4%. Huyện sẽ đầu tư phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp đảm bảo phát triển bền vững. Tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm có tính đột phá. Ông Nguyễn Thanh - Phó Bí thư Huyện ủy Sơn Tịnh cho biết: “Vận dụng sáng tạo những cơ chế chính sách của TW, Tỉnh và xác định rõ nội dung, các giải pháp cụ thể trên từng lĩnh vực. Đối với lĩnh vực kinh tế có giải pháp xây dựng các vùng nguyên liệu chuyên canh tập trung, khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, nâng cao giá trị vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao công suất tàu thuyền gắn với đầu tư trang thiết bị. Tập trung đầu tư công trình dự án có tính khả thi, phát huy hiệu quả để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện”.
Trải qua chặng đường 38 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, sự hỗ trợ rất lớn của các cấp, các ngành và toàn dân trong huyện đã đoàn kết một lòng, không ngừng phấn đấu vươn lên để huyện Sơn Tịnh có được diện mạo như ngày hôm nay. Phát huy truyền thống cách mạng kiên cường của quê hương và những thành tựu nổi bậc đã đạt được trong nhiều năm qua, Đảng bộ và nhân dân tiếp tục đoàn kết, nâng cao tinh thần trách nhiệm, phát huy bản lĩnh, trí tuệ, đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế, nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, tạo dựng hình ảnh, vị thế mới xứng danh huyện Sơn Tịnh Anh hùng.
Kim Cúc – Như Đồng