RSS In Gởi cho bạn bè
28/03/2022 10:53:05 AM         

 Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP, đến thời điểm này, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 61 sản phẩm đạt chuẩn, trong đó có 4 sản phẩm 4 sao, còn lại là 3 sao và chưa có sản phẩm đạt 5 sao. Tỉnh cũng đã xây dựng 5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, trong đó thành phố Quảng Ngãi 3 điểm, huyện Mộ Đức 1 điểm và thị xã Đức Phổ 1 điểm.

 

Sản phẩm hành tím của xã Bình Hải (Bình Sơn) được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao

Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, định kỳ hằng năm, Hội đồng đánh giá, phân hạng có kế hoạch kiểm tra lại các sản phẩm đã đạt OCOP và sau ba năm sẽ đánh giá lại sản phẩm. Đối với những chủ thể sản phẩm vi phạm các quy định của chương trình sẽ bị đề xuất xử lý. Những sản phẩm đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh được hỗ trợ xúc tiến thương mại vào các cửa hàng OCOP, hội chợ, siêu thị...

Bên cạnh đó, định hướng quan trọng sau khi đạt chuẩn OCOP, đó là tạo điều kiện để sản phẩm vươn xa, khuyến khích chế biến sau thu hoạch, giúp gia tăng giá trị sản phẩm. Với định hướng này, nhiều địa phương đang tập trung phát triển vùng nguyên liệu, đồng thời bắt tay vào tìm hiểu, liên kết để sản xuất, chế biến sản phẩm. Để làm được điều này, cần sự đầu tư lớn về nguồn lực sản xuất, cũng như chú trọng đến khâu tìm hiểu, tiếp cận thị trường.

Qua 3 năm (2019-2021) triển khai, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã được lan tỏa trên khắp địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ du lịch phát triển theo hướng gia tăng giá trị, góp phần tái cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống dân cư.

Trong năm 2022, Quảng Ngãi phấn đấu có 50 sản phẩm được tỉnh công nhận đạt OCOP hạng 3-4 sao, trong đó có 5-7 sản phẩm được nâng từ hạng 3 sao lên 4 sao.

Để đạt mục tiêu trên, tỉnh Quảng Ngãi sẽ hỗ trợ cho 45-50 chủ thể (cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã…) hoàn thiện sản phẩm đạt OCOP hạng 3-4 sao; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh.

Phát triển kinh tế nông thôn theo hướng tổ chức hàng hoá chuỗi giá trị, đối với các sản phẩm đặc biệt có lợi thế ở địa phương trong lĩnh vực nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ.

Việc triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, tổ chức lại sản xuất, tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, sáng tạo ở nông thôn.

Như Đồng

 

Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP, đến thời điểm này, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 61 sản phẩm đạt chuẩn, trong đó có 4 sản phẩm 4 sao, còn lại là 3 sao và chưa có sản phẩm đạt 5 sao.